NHỮNG HÀNH ĐỘNG LÃNG PHÍ ĐIỆN THƯỜNG GẶP

23/03/2022
 

Việc sử dụng điện hợp lý của mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị hiện nay đã được quan tâm rõ rệt. Bởi nó không chỉ giảm nhiều chi phí sử dụng điện mà còn góp phần đảm bảo môi trường, an ninh năng lượng. Tuy nhiên, sử dụng điện như thế nào là hợp lý và những hành động nào gây lãng phí điện thì lại là thắc mắc của rất nhiều người.

Dưới đây là một số hành động gây lãng phí điện thường gặp. Bạn hãy tìm hiểu xem mình có mắc phải những hành động gây lãng phí điện đó hay không và có biện pháp xử lý để tiết kiệm điện nhé!

1. Để đèn sáng khi không có người ở nhà

Đây là một trong những thói quen phổ biến thường gặp. Tắt đèn khi rời khỏi phòng sẽ tiết kiệm điện và giúp bóng đèn bền hơn. Nếu hay quên, hãy sử dụng hệ thống nhà thông minh để giám sát ánh sáng từ xa qua điện thoại di động.

2. Sử dụng bóng đèn sợi đốt

Đèn sợi đốt tiêu thụ năng lượng rất lớn vì vậy nên chuyển sang dùng bóng tiết kiệm điện. Các bóng đèn được chứng nhận ENERGY STAR như bóng halogen, huỳnh quang compact (CFL), đèn LED sử dụng năng lượng ít hơn từ 25% đến 80% và có tuổi thọ dài hơn tới 25 lần so với bóng sợi đốt truyền thống.

3. Không rút phích điện

Thiết bị điện tử và đồ dùng gia dụng đều tiêu thụ năng lượng ngay cả khi tắt nếu không rút phích cắm. Nếu không sử dụng hãy rút phích cắm ra. Có thể kết nối nhiều thiết bị cùng một nguồn đầu vào, khi tắt chỉ cần rút phích ra.

4. Sử dụng tủ lạnh chưa hợp lý.

Trung bình mỗi năm, mọi người mở tủ lạnh hoặc tủ đông khoảng 10 giờ, ngốn khoảng 7% tổng năng lượng sử dụng của thiết bị. Một mẹo hữu ích là chỉ mở tủ lạnh và tủ đông khi cần và khẩn trương đóng ngay tủ lại.

Nhiều bà nội trợ không dám chứa đầy thức ăn vào tủ lạnh vì sợ càng đầy, tủ lạnh càng hao điện. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Những khoảng trống trong tủ sẽ khiến tủ lạnh phải chạy nhiều hơn để duy trì nhiệt độ thấp. Ngược lại, nếu để tủ lạnh quá đầy, chật chội sẽ ngăn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến hiệu quả làm lạnh kém, gây tiêu hao năng lượng. Do đó, để tiết kiệm điện, chúng ta nên sắp xếp, bố trí thức ăn trong tủ một cách khoa học, hợp lý.

Chúng ta không nên đặt thức ăn còn nóng vào tủ lạnh bởi hơi nóng tỏa ra từ thức ăn sẽ làm ấm không khí bên trong tủ. Khi đó, máy nén của tủ lạnh phải làm việc nhiều hơn để làm mát không khí, gây tiêu hao điện năng. Chúng ta hãy chờ thức ăn nguội hoàn toàn trước khi đặt vào tủ lạnh, vừa giúp tiết kiệm điện năng, đồng thời bảo vệ tủ lạnh.

Đối với tủ lạnh, chúng ta nên thường xuyên lau chùi, dọn sạch các mảng tuyết bám trong khoang làm đông... để tủ lạnh hoạt động hiệu quả, tránh gây lãng phí năng lượng

5. Chạy máy rửa bát với một nửa công suất

Máy rửa bát nếu chạy hàng ngày thì một năm tốn khoảng 66 USD. Để tiết kiệm năng lượng, nên chạy máy khi đầy (đủ) tải. Ngoài ra, có thể chuyển máy từ chế độ cài đặt sấy khô bằng nhiệt sang sấy khô bằng không khí, có thể tiết kiệm được thêm khoảng 15% tổng năng lượng tiêu hao của thiết bị.

6. Giặt quần áo bằng nước nóng và giặt quá nhiều quần áo trong 1 lần giặt

Gần 90% năng lượng của một máy giặt là để làm nóng nước. Vì vậy nếu chuyển giặt từ nước nóng sang nước ấm hay nước lạnh sẽ giảm được một nửa năng lượng. Trừ khi phải giặt đồ quá bẩn, dính nhiều dầu mỡ, còn không nước lạnh có đủ khả năng làm sạch mọi thứ như quần áo, khăn trải giường....

Nhiều người thường dồn nhiều quần áo vào giặt một lần. Tuy nhiên, thói quen nhỏ này lại là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện hàng tháng tăng vọt. Nguyên nhân là do, khi có quá nhiều quần áo, máy giặt sẽ hoạt động sai công suất, gây giảm tuổi thọ máy và tiêu hao nhiều điện năng

7. Bật điều hòa ở nhiệt độ thấp

Một số người thường tắt điều hòa khi đã đủ lạnh, bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên vì cho rằng như vậy là để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, đây là thói quen gây tiêu hao điện năng, đồng thời khiến điều hòa nhanh hỏng. Việc bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy phải khởi động lại nhiều lần và làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt khi mà nhiệt độ phòng đã tăng lên, gây tiêu hao năng lượng đáng kể.

Khi trời nắng nóng, nhiều người luôn mong muốn căn phòng sẽ nhanh chóng mát lạnh nên sẽ bật nhiệt độ rất thấp. Tuy nhiên, việc để nhiệt độ thấp khiến điều hòa sử dụng hết công suất khiến máy nhanh hỏng hơn, tốn tiền điện hơn.

Để tiết kiệm điện, chúng ta cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 25 đến 28 độ C. Nhiệt độ điều hòa chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời từ 10 đến 12 độ C là hợp lý về tiêu thụ điện.

8. Không thường xuyên vệ sinh thiết bị điện

Bụi bẩn bám vào các khe, kẽ, lưới lọc, sẽ khiến thiết bị điện hoạt động kém hiệu quả hơn, từ đó dẫn đến tốn điện hơn để đạt mức yêu cầu như ban đầu.

Nếu vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị điện thường xuyên, bạn có thể tiết kiệm 5 - 15% điện năng tiêu thụ. Đối với quạt, máy điều hòa, cần thường xuyên lau sạch cánh, lồng, lưới lọc,.. Đối với tủ lạnh, cũng cần thường xuyên dọn sạch mảng tuyết đóng dày trong các khoang làm đông sẽ giúp tiết kiệm điện năng.

9. Nấu cơm bằng nồi cơm điện với thời gian quá lâu.

Nhiều bà nội trợ thường có thói quen cắm cơm trước bữa ăn từ 1-2 tiếng. Thậm chí, do bận rộn, một số gia đình còn cắm một bữa ăn cả ngày vì nồi có chế độ ủ nóng.

Việc ủ cơm giữ nhiệt như vậy rất tốn điện năng. Tốt nhất, chúng ta nên cắm cơm trước khi ăn 45 phút và cắm bữa nào ăn ngay bữa đó, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa đảm bảo độ ngon của cơm

10. Sử dụng bình nước nóng chưa đúng cách

Do nhu cầu sử dụng bình nước nóng lớn, nhiều gia đình thường bật bình cả ngày để thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên, đây là một thói quen hoàn toàn sai lầm vì vừa tiêu tốn điện, vừa gây ảnh hưởng tới tính mạng của những thành viên trong gia đình.

Khi đạt nhiệt độ theo cài đặt, bình sẽ ngưng làm nóng. Khi nhiệt độ bình xuống dưới ngưỡng mức nhiệt này, bình sẽ đun trở lại. Qúa trình này lặp lại liên tục sẽ gây tiêu tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, việc đun liên tục sẽ khiến thanh đun và lớp cách điện bị bào mòn, khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, về lâu dài dễ dẫn tới rò rỉ điện, gây nguy hại cho người sử dụng.

Ban truyền thông nhà trường
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 3/5 trong 33 đánh giá
Chia sẻ: